Sáng ngày 13/10/2017, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị "Quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và Tăng cường khả năng chống chịu nông nghiệp với Biến đổi khí hậu ở Việt Nam" do Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai/ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.
Chủ trì, chỉ đạo Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng, Bộ Nông nghiệp và PTNT/ Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, địa phương, các nhà khoa học trong nước và quốc tế. Về phía các đối tác phát triển, có Quyền Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam; Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đại diện các nhà tài trợ phát triển, tổ chức quốc tế, cơ quan ngoại giao tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội nghị
Hội nghị diễn ra ngay sau khi trận mưa lũ lớn nhất trong hàng chục năm qua đang gây ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh Bắc Trung Bộ và Miền núi phía Bắc của nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân và chúng ta cũng đang chuẩn bị đối phó với cơn bão đang đổ bộ vào Biển Đông. Hội nghị sẽ là diễn đàn quan trọng để các bên liên quan chia sẻ thông tin và trao đổi sâu sắc hơn về tình trạng thiên tai cũng như quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp ở Việt Nam, vấn đề tài chính trong quản lý rủi ro thiên tai, tăng cường khả năng chống chịu của các sản phẩm Nông nghiệp đối với hiệu ứng của thiên tai cũng như các hiểm họa thiên tai khác. Tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai, xác định các ưu tiên và nhu cầu công tác trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai.
Khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh vai trò của việc hợp tác với các đối tác phát triển, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các quốc gia trên thế giới nhằm phòng, chống thiên tai hiệu quả hơn. Biến đổi khí hậu và thiên tai đã trở thành vấn đề toàn cầu ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng tỷ người trên Trái đất. Ở Việt Nam ngay tại thời điểm này, trận mưa lũ lớn nhất trong hàng chục năm qua đang gây ngập lụt trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung và miền núi phía bắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của người dân.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng và tác động nặng nề nhất của thiên tai và BĐKH, đặc biệt là bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Theo thống kê, những năm gần đây trung bình mỗi năm, thiên tai làm chết và mất tích trên 300 người, thiệt hại về kinh tế từ 1-1,5% GDP (tương đương 1,3 tỷ USD). Thực tế này đòi hỏi hàng chục triệu người dân Việt Nam phải sống chung, thích nghi với thiên tai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ ấn tượng với chủ đề mà Ngày Quốc tế phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai hướng đến. Đây là những chủ đề hết sức thiết thực ở quy mô toàn cầu, nhưng đồng thời cũng rất sát với thực tiễn công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai tại Việt Nam. Năm 2017, với nhận thức BĐKH tiếp tục là một thách thức, thiên tai bất thường, xuất hiện ngày càng nhiều, cực đoan cả về cường độ, không gian, thời gian và trái với quy luật, chủ đề được lựa chọn của năm nay là “Nhà nhà an toàn: Giảm rủi ro và giảm sơ tán khi có thiên tai”.
“Tôi cam kết Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để các hoạt động phòng, chống thiên tai được triển khai một cách hiệu quả và thuận lợi với mục tiêu cao nhất là bảo vệ tính mạng của người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản, có các giải pháp để Việt Nam có thể ứng phó có hiệu quả trước các tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị
Tại hội nghị, ông Achim Fock - quyền Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại VN - đưa ra những con số cảnh báo: VN xếp thứ 7 trong những quốc gia có nguy cơ dễ bị thiên tai nhất thế giới, đứng đầu trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đối với các loại thiên tai như bão, lũ lụt...
Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ NTPTNT Nguyễn Xuân Cường, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện các đợt thiên tai cực đoan như bão mạnh, siêu bão, mưa lớn đột biến tác động mạnh, sâu rộng đến việc sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
“Những ngày qua, đồng bào nhân dân các tỉnh Bắc miền Trung, các tỉnh miền núi phía Bắc đang phải gồng mình để khắc phục những hậu quả của đợt mưa lũ ngày 9-10.10 vừa qua. Đồng thời, một cơn bão đang hình thành ở biển Đông, dần từng bước tiến vào nước ta, sẽ gây mưa trên diện rộng ở chính những vùng đang chịu thiệt hại của đợt mưa lũ trước.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT/ Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai phát biểu tại Hội nghị
Điều này đặt ra việc chúng ta phải làm tốt công tác ứng phó. Không chỉ làm trong một tháng, một quý, mà với Việt Nam phải làm liên tục, quanh năm, không trừ một vùng nào, địa phương nào” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Do biến đổi khí hậu, tác động của quá trình phát triển kinh tế xã hội, làm xuất hiện những loại hình thiên tai mới, nước ta liên tục hứng chịu những cơn bão, mưa lũ xảy ra liên miên, gây thiệt hại rất lớn về người và của. Ngoài ra, nước ta còn có khoảng trống rất lớn trong công tác cảnh báo, phòng chống thiên tai, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục phòng chống thiên tai chia sẻ.

Ông Trần Quang Hoài - Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai phát biểu tại hội nghị
"1h chiều 11.10, chúng tôi nhận được một bản tin dự báo là lũ về hồ Hòa Bình với lưu lượng đang giảm dần, 12 tiếng sau chỉ còn. 800m3, 24 tiếng sau còn 2.400m3/s. Nhưng thực tế là 24 tiếng sau lên đến 17.000m3/s. Lũ sầm sập đổ về, nếu chỉ chậm trễ trong việc xử lý thì một tiếng sau có thể xảy ra hậu quả khôn lường, có thể hủy hoại ngay hệ thống điều hành toàn bộ các cửa van của hồ Hòa Bình. Rõ ràng công tác dự báo thiên tai chúng ta đang còn một khoảng trống, có khoảng cách rất lớn giữa yêu cầu và thực tiễn, cần nhanh chóng khắc phục trong thời gian tới".

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng các đại biểu tham dự đã quyên góp chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào tại các tỉnh đang bị thiệt hại do mưa lũ gây ra.
Ngay tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng tất cả các đại biểu tham dự đã quyên góp chia sẻ với những khó khăn, mất mát mà đồng bào tại các tỉnh đang bị thiệt hại do mưa lũ gây ra. Số tiền quyên góp được sẽ được chuyển tận tay những hộ dân bị thiệt hại nặng nề nhất.
(Nguồn: Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT)